Bình Phước, vùng đất nơi cực Bắc Đông Nam Bộ, từ lâu đã được biết đến với những cánh rừng cao su bạt ngàn, vườn điều trĩu quả và khí hậu mát mẻ, trong lành. Nhưng bên cạnh tiềm năng nông nghiệp, mảnh đất này còn đang từng bước trở thành điểm đến mới mẻ cho loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và sinh thái, mở ra hướng phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế và bảo tồn môi trường.
Với diện tích tự nhiên hơn 6.800 km², Bình Phước sở hữu hệ sinh thái phong phú với rừng nguyên sinh, vườn quốc gia, suối thác, cùng hàng nghìn hecta điều, cao su, cà phê… nằm đan xen với các bản làng dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển mô hình du lịch gắn với nông nghiệp và sinh thái, khi vừa có tài nguyên tự nhiên dồi dào, vừa có bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư bản địa. Tại huyện Bù Gia Mập, nơi có Vườn Quốc gia Bù Gia Mập rộng hơn 26.000 ha, nhiều hộ gia đình đang từng bước kết hợp trồng trọt với du lịch sinh thái.
Du lịch trải nghiệm tại Khu du lịch Quả điều vàng Bù Đăng
Nông nghiệp – bản sắc địa phương và trải nghiệm du lịch
Trong khi nhiều địa phương khai thác du lịch bằng các khu nghỉ dưỡng oặc công trình nhân tạo, thì Bình Phước lại có thế mạnh riêng: những vườn điều, cao su và cà phê trải dài, xen kẽ với đời sống sinh hoạt truyền thống của người dân tộc thiểu số. Du khách có thể đến thăm các làng nghề chế biến điều truyền thống tại Đồng Phú, Bù Đăng, trực tiếp tham gia lột vỏ, rang hạt, thưởng thức các món ăn từ điều, thứ nông sản đã làm nên tên tuổi Bình Phước trên thị trường thế giới. Hay vào mùa thu hoạch cao su, du khách được tận tay cạo mủ, nghe người dân kể chuyện đời gắn bó với cây cao su – “vàng trắng” của miền Đông. Không gian trải nghiệm ấy không chỉ mang lại giá trị giải trí mà còn góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường, nông nghiệp sạch, và chuỗi giá trị sản xuất bền vững. Đặc biệt với học sinh, sinh viên và du khách quốc tế, mô hình du lịch này là “lớp học không tường”, giúp hiểu hơn về lối sống nông nghiệp và mối quan hệ giữa con người, thiên nhiên.
Sinh thái, “lá phổi xanh” gắn kết con người với tự nhiên
Không chỉ có nông nghiệp, Bình Phước còn là “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam Bộ với hàng chục nghìn hecta rừng tự nhiên, hệ sinh thái rừng phong phú, nguồn suối, thác đẹp nguyên sơ như Thác Đứng, Thác Đắk Mai, Thác Liêng Nung… Tuyến du lịch sinh thái kết hợp cộng đồng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập là ví dụ tiêu biểu. Tại đây, du khách có thể đi trekking xuyên rừng, cắm trại qua đêm, khám phá hang động, thác nước, hoặc tham gia các chương trình “du lịch sinh tồn” cùng hướng dẫn viên là người bản địa. Những người này chính là “bản đồ sống” về núi rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa chia sẻ kiến thức về thảo dược, động vật quý hiếm, và các câu chuyện dân gian gắn liền với thiên nhiên. Theo ông Trần Văn Long – đại diện một nhóm phát triển du lịch cộng đồng ở Bù Gia Mập – thì việc kết hợp sinh thái và văn hóa không chỉ giúp đa dạng sản phẩm du lịch mà còn góp phần tăng ý thức bảo tồn tài nguyên: “Khi người dân thấy rằng giữ rừng, giữ suối mang lại thu nhập từ du lịch, họ sẽ chủ động hơn trong việc bảo vệ môi trường sống.
Học sinh, sinh viên phối hợp cùng người dân địa phương
Hướng đi bền vững: Du lịch từ gốc rễ
Du lịch cộng đồng không chỉ đơn thuần là mô hình kinh tế, mà còn là cách tiếp cận phát triển bền vững – nơi cộng đồng địa phương là trung tâm. Ở Bình Phước, khi người dân địa phương trở thành người làm du lịch, họ không phải đánh đổi đất đai, nông nghiệp hay môi trường để xây khách sạn, resort. Thay vào đó, họ đưa du khách đến với chính đời sống thường ngày của mình – mộc mạc, thật thà và gắn liền với thiên nhiên.
Một học sinh lớp 2 tham gia trải nghiệm trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Bình Phước
Điều này khác biệt với nhiều mô hình du lịch đại trà hiện nay vốn thiên về bê tông hóa, gây áp lực cho môi trường và cộng đồng. Ở Bình Phước, mỗi vườn cây, bữa ăn quê, mái nhà sàn, tiếng cồng chiêng… đều là một phần sản phẩm du lịch đầy bản sắc. Bà Nguyễn Thị Hương – chuyên gia tư vấn phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Phước – nhận định: “Bình Phước có lợi thế về không gian mở, khí hậu ôn hòa, tài nguyên nông – lâm kết hợp. Nếu biết quy hoạch hợp lý, đây sẽ là hình mẫu của mô hình du lịch cộng đồng nông – sinh thái bền vững cho toàn vùng Đông Nam Bộ.
Những thách thức và kỳ vọng tương lai
Dù tiềm năng lớn, nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và sinh thái tại Bình Phước vẫn còn không ít rào cản. Cơ sở hạ tầng giao thông ở nhiều khu vực nông thôn còn hạn chế, một số nơi thiếu điện, nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách. Nhận thức của người dân về làm du lịch vẫn còn đơn giản, thiếu chuyên môn, trong khi lực lượng hướng dẫn viên, nhân sự phục vụ chưa được đào tạo bài bản.
Đội cồng chiên phục vụ khách du lịch
Ngoài ra, việc quảng bá, liên kết tour, kết nối với thị trường du lịch lớn vẫn còn rời rạc. Phần lớn du khách đến Bình Phước theo nhóm nhỏ, cá nhân, chưa hình thành hệ sinh thái du lịch rõ ràng. Tuy nhiên, chính những hạn chế này lại là cơ hội để Bình Phước phát triển một cách bền vững, bài bản ngay từ đầu. Nếu có chiến lược đầu tư hợp lý, tập trung vào đào tạo người dân, khuyến khích khởi nghiệp nông – du lịch, xây dựng sản phẩm gắn liền với đặc trưng vùng miền… thì trong tương lai không xa, Bình Phước có thể trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng của cả khu vực miền Đông.
Du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và sinh thái không phải là con đường mới, nhưng với Bình Phước – nơi hội tụ đủ điều kiện về thiên nhiên, văn hóa và con người – thì đây chính là “chìa khóa” để mở ra cánh cửa phát triển bền vững, bao trùm và đầy bản sắc. Khi mỗi người dân trở thành một “đại sứ du lịch”, mỗi cánh rừng, thửa ruộng trở thành không gian trải nghiệm – thì mảnh đất đỏ bazan này sẽ không chỉ nổi tiếng với cây điều, cây cao su, mà còn là điểm đến được yêu mến bởi những giá trị chân thật và xanh mát từ gốc rễ.
Hữu Công – Phong Nguyễn