Ở đó, ta gặp lại mùa thu của lòng mình…
Có những mùa thu chỉ ghé qua đời người trong thoáng chốc, nhưng để lại dư vị dịu dàng suốt cả một đời. Có những câu thơ không rực rỡ, không huy hoàng ánh sáng, nhưng neo lại trong tim người đọc như hơi thở của ký ức, như tiếng ru chưa bao giờ dứt. Tôi đã gặp một mùa thu như thế – mùa thu trong thơ Lê Thanh Xuân. Và tôi cũng đã gặp một con người như thế – thi sĩ của những yêu thương không cần tiếng vỗ tay, của sự trầm tĩnh thiên lương gần gũi, lấy cái bình dị làm ánh sáng soi lòng người.
ẤM ÁP MÙA THU
Lá rụng vàng xóa lối đi
Phía chiều mây kéo vân vi tím hồng
Ôi hay thu mới qua sông
Mà nghe trống vắng một vùng phía sau
Đừng nhìn anh thể ngàn lau
Cỏ may vừa mới bắt đầu chạm thu
À ơi, cải cất lời ru
Đốt đồng rơm rạ mịt mù khói thơm
Cau vườn buồng quả mới đơm
Heo may rôn rốt, bửa cơm đèn dầu
Mẹ nhìn thu thoáng hoa ngâu
Cha nhìn thu thoáng cây câu bên hồ
Em nhìn anh dốc mấp mô
Vẳng nghe âm áp mùa thu bộn bề
8-2019
Bài thơ “Ấm áp mùa thu” là một minh chứng cho giọng thơ ấy – nơi mùa thu không đến từ tiết trời mà từ trái tim, từ bữa cơm đèn dầu, từ ánh nhìn của cha mẹ, từ khói đồng rạ và tiếng ru cải giữa mùa bận bịu. Mùa thu trong thơ ông không vàng óng lá bay, mà thấm đẫm màu sương khói, mùi rơm rạ, và những nỗi niềm người quê từ thuở xa xưa vọng về như bước chân mẹ, như giọng gà gáy giữa phố thị – thân thuộc mà ám ảnh, thân thương mà ray rứt.
Mạch thơ ký ức – mùa thu thành biểu tượng sống
Ngay từ hai câu đầu:
Lá rụng vàng xóa lối đi
Phía chiều mây kéo vân vi tím hồng
…đã mở ra một không gian mờ ảo, đậm chất hoài niệm và đầy gợi cảm. Mùa thu trong thơ không đơn thuần là thời tiết, mà là “lối cũ” bị phủ kín bởi thời gian, là miền ký ức vừa mơ hồ vừa hiện hữu.
Rồi chậm rãi, khẽ khàng, ông đánh thức trong ta những nỗi nhớ thăm thẳm:
Ô hay thu mới qua sông
Mà nghe trống vẳng một vùng phía sau
“Ô hay” – không phải là một tiếng ngạc nhiên ồn ào, mà là một cái giật mình nhẹ, như tiếng vọng của một tuổi thơ vừa ngủ quên chợt thức dậy. Thu đến – không qua mắt nhìn, mà qua trái tim – như một tiếng trống trường, một mùa khai giảng cũ, hay tiếng lòng ai vừa khẽ thổn thức nơi cuối dốc năm tháng.
Những hình ảnh gợi thương – văn hóa dân gian thấm đẫm
Đốt đồng rơm rạ mịt mù khói thơm
Cau vườn buồng quả mới đơm
Heo may rôn rốt, bữa cơm đèn dầu
Lê Thanh Xuân là người mang làng quê đi khắp những vùng đất ông từng sống. Từ làng Bất Căng xứ Thanh, đến miền rừng Hòa Bình, rồi vào miền Nam đất Đồng Nai – quê hương trong thơ ông không phải địa danh cụ thể, mà là một không gian ký ức chung của những người từng đi xa.
Những chi tiết nhỏ bé như “rơm rạ”, “quả cau”, “bữa cơm đèn dầu” không chỉ gợi hình mà còn gợi hương – hương của nếp nhà, của đời sống thuần hậu. Trong thơ ông, ngôn ngữ như bước chân người quê: chậm rãi, không phô diễn, nhưng lắng sâu. Những hình ảnh rất đỗi đời thường mà ngồn ngộn cảm xúc, chan chứa yêu thương.
Tình thân – mạch ngầm ấm áp trong từng ánh nhìn
Mẹ nhìn thu thoáng hoa ngâu
Cha nhìn thu thoáng cây cầu bên hồ
Em nhìn anh dốc mấp mô
Vẳng nghe ấm áp mùa thu bộn bề
Đây chính là nhãn tự của bài thơ – “ấm áp mùa thu bộn bề”. Trong câu chữ của ông, mùa thu không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên mà là “trạng thái cảm xúc”. Mỗi ánh nhìn – của Mẹ, của Cha, của Em – là một cách mùa thu đến. Không bằng gió heo may hay nắng nhạt, mà bằng sự hiện diện lặng lẽ của yêu thương.
Ở đó, tình thân không cần lời, chỉ cần ánh mắt đủ sâu. Ở đó, mùa thu không tàn, vì nó không nằm ở cảnh sắc mà sống trong những nhớ thương lặng lẽ đời người.
Và chính vì thế, Lê Thanh Xuân – người lặng lẽ đi qua thơ ca Việt – đã để lại một mùa thu ấm cho đời
Trong mỗi câu thơ, ông không viết để ghi danh, mà để giữ lại một phần ký ức quê hương, một chút dịu dàng của đời sống, và cả những yêu thương mà đôi khi, người ta đã lãng quên. Giữa nhịp sống hiện đại gấp gáp, thơ ông như một bước chậm, như một làn gió thu về làm dịu đi những cái nắng oi nồng, làm sống lại trong lòng người chút hương của mái nhà tranh, chút bóng của cha mẹ ngồi hong nắng bên thềm.
Lê Thanh Xuân đi qua đời sống với một niềm tin giản dị: chỉ cần giữ được tình quê, nghĩa mẹ, và sự trầm lặng thẳm sâu trong lòng người, thì dù ở đâu – mùa thu vẫn còn đó. Thơ ông không cao giọng, không lên gân, nhưng lặng lẽ và dai dẳng, như một mạch suối ngầm tưới mát lòng người.
Và vì thế, khi đọc thơ ông – ta không chỉ gặp mùa thu của đất trời, mà gặp lại mùa thu của lòng mình.
Lời bình: Bùi Quang Xuân