Viên nén RPF: Giải pháp bền vững cho ngành công nghiệp

Tại hội thảo “Think Out of Trash RPF, tiềm năng của viên nén RPF: Biến phế liệu thành giá trị” ngày 20/02/2025 do Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA) tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh RPF là giải pháp năng lượng thay thế đầy triển vọng. Sự kiện quy tụ nhiều doanh nghiệp, chuyên gia và tổ chức trong lĩnh vực tái chế, năng lượng và sản xuất công nghiệp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy ứng dụng RPF tại Việt Nam.

VWRA và EC Center ký kết MOU tại hội thảo

Thách thức trong tái chế chất thải tại Việt Nam

Viên nén RPF (Refuse Paper and Plastic Fuel) – nhiên liệu tái chế từ giấy và nhựa thải – đang nổi lên như một giải pháp thay thế tiềm năng cho than đá, góp phần giảm thiểu rác thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Theo diễn giả Trần Thanh Tâm (Đại học Tài nguyên và Môi trường), dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong công tác tái chế, tỷ lệ tái chế chất thải vẫn còn thấp. Thống kê năm 2023 cho thấy, mỗi ngày cả nước phát sinh 67.877 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 38.143 tấn đến từ khu vực đô thị. Tuy nhiên, chỉ 10% trong số đó được tái chế, phần lớn vẫn xử lý bằng chôn lấp, gây áp lực lớn lên quỹ đất và môi trường.

Trong lĩnh vực công nghiệp, lượng chất thải gia tăng theo tốc độ phát triển của các khu công nghiệp, trong khi phương thức xử lý còn nhiều hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp bền vững, trong đó RPF được đánh giá là một lựa chọn đầy tiềm năng.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hợp tác phát triển thị trường viên nén RPF

Tại hội thảo, VWRA và Công ty EC Center (Nhật Bản) đã ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm thúc đẩy ứng dụng RPF tại Việt Nam. Sự hợp tác này không chỉ giúp chuyển giao công nghệ xử lý rác thải hiệu quả, mà còn nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế và môi trường của RPF.

Viên nén RPF được sản xuất từ giấy và nhựa không thể tái chế trực tiếp, có giá trị nhiệt cao, thích hợp thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ngành như xi măng, nhiệt điện và sản xuất thép. Tại Nhật Bản, RPF đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm phát thải CO₂ và giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí năng lượng.

Tuy nhiên, để RPF trở thành nguồn nhiên liệu phổ biến tại Việt Nam, bài toán đặt ra là đảm bảo giá thành cạnh tranh với các nhiên liệu truyền thống.

Các chuyên gia tại hội thảo đều thống nhất rằng, để thị trường RPF phát triển bền vững, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà cung cấp nguyên liệu đến doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ chính phủ và đầu tư vào công nghệ xử lý sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy RPF trở thành giải pháp năng lượng thay thế hiệu quả.

Với những bước khởi đầu quan trọng từ hội thảo lần này, VWRA và EC Center cam kết tiếp tục nghiên cứu, hợp tác cùng các đối tác để phát triển và ứng dụng RPF, hướng tới một nền công nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Huỳnh Mạnh – Hải Yến