Tháng 4 âm lịch – mùa Phật Đản là dịp lễ trọng đại của hàng triệu Phật tử tại Việt Nam và trên khắp thế giới. Vào thời điểm này, nhiều người không chỉ đến chùa lễ Phật, tụng kinh, cầu an mà còn lựa chọn ăn chay để thể hiện lòng thành kính và nuôi dưỡng tâm từ bi.
Thực phẩm chay giả mặn “3 không” màu sắc bắt mắt, bao gói nilon sơ sài gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giữa dòng chảy của thị trường thực phẩm chay phát triển nhanh chóng, một vấn đề nhức nhối đang âm thầm xuất hiện – thực phẩm chay giả, kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe con người.
Thị trường thực phẩm chay ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong những ngày lễ lớn như Rằm tháng Tư, tháng Bảy hay đầu năm mới. Người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm chay chế biến sẵn, đóng gói tiện lợi với hình thức bắt mắt và hương vị mô phỏng thịt, cá, trứng, sườn nướng… Tuy nhiên, chính sự tiện lợi và hình thức hấp dẫn ấy lại là “con dao hai lưỡi” nếu người tiêu dùng không cẩn trọng.
Trên thực tế, không ít cơ sở sản xuất đã lợi dụng xu hướng ăn chay để đưa ra thị trường các sản phẩm “chay công nghiệp” chứa đầy hóa chất, phụ gia và chất bảo quản không an toàn. Một số sản phẩm còn không có nhãn mác rõ ràng, hạn sử dụng mờ nhòe, và thành phần hoàn toàn không được công bố minh bạch. Việc mua bán trôi nổi trên các nền tảng trực tuyến, chợ tạm, hay hàng rong khiến người tiêu dùng càng khó kiểm soát chất lượng.
Thực phẩm chay giả “vỏ bọc” cho nhiều chất độc hại, được biết một số cuộc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian gần đây đã phát hiện nhiều sản phẩm chay công nghiệp chứa các chất độc hại như:
Hàn the (borax) dùng để làm dai thực phẩm nhưng có thể gây ngộ độc cấp tính, ảnh hưởng đến gan và thận. Formol (formaldehyde), chất cấm sử dụng trong thực phẩm, có thể gây ung thư khi tích tụ lâu dài.
Phẩm màu công nghiệp độc hại để tạo màu thịt, cá giả nhưng có thể gây dị ứng, thậm chí tổn thương thần kinh. Chất tạo mùi tổng hợp, bắt chước mùi thịt cá nhưng có thể làm rối loạn nội tiết và ảnh hưởng hệ tiêu hóa.
Việc ăn chay với mục đích thanh lọc cơ thể, giữ gìn sức khỏe và hướng thiện sẽ hoàn toàn phản tác dụng nếu phải tiếp nhận những chất độc hại trên mỗi ngày thông qua các món ăn “giả chay” như vậy.
Để hạn chế nguy cơ từ thực phẩm chay giả, người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc chọn lựa và chế biến thực phẩm: Ưu tiên thực phẩm tươi sống và tự nấu: rau củ quả, đậu phụ, nấm, ngũ cốc là những thực phẩm an toàn, dễ chế biến và đầy đủ dưỡng chất.Tránh lạm dụng thực phẩm chay công nghiệp, đặc biệt là các loại có hình dạng và mùi vị giống thịt quá thật, đây thường là những sản phẩm chứa nhiều phụ gia.
Chả chay được vận chuyển từ miền Tây lên TP.HCM bao bì, bảo quản sơ sài, bao bì không đề cập các thông tin về an toàn thực phẩm,…
Mua hàng tại cơ sở uy tín, lựa chọn cửa hàng có thương hiệu rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Đọc kỹ nhãn mác, kiểm tra thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc trước khi mua.
Bên cạnh ý thức từ phía người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm chay lưu hành trên thị trường, đặc biệt trong mùa lễ Phật Đản. Những cơ sở sản xuất thực phẩm kém chất lượng cần bị xử lý nghiêm minh, đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về nguy cơ từ thực phẩm chay giả.
Ăn chay là một hành động mang ý nghĩa tâm linh và nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực phẩm chay đang bị thương mại hóa và biến tướng, người tiêu dùng cần tỉnh táo và có hiểu biết đúng đắn để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Hãy để mỗi bữa ăn chay trong mùa Phật Đản không chỉ là cách nuôi dưỡng thân thể, mà còn là sự lựa chọn có trách nhiệm và đầy ý nghĩa với chính cuộc sống này.
Huỳnh Mạnh