Trong bối cảnh chính trị và kinh tế toàn cầu không ngừng thay đổi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành yếu tố then chốt ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư, cơ hội phát triển, chiến lược thương mại và tính bền vững của doanh nghiệp. Sự hội nhập sâu hơn của Việt Nam vào các chuỗi cung ứng toàn cầu buộc các doanh nghiệp phải thích nghi nhanh chóng với các yêu cầu ESG quốc tế để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư và nhu cầu từ khách hàng quốc tế. Hội thảo Từ nguyên tắc đến thực tiễn: Nâng tầm chất lượng báo cáo và cách đạt chứng nhận ESG diễn ra ngày 16/4/2025 tại TP.Hồ Chí Minh.
Các diễn giả trong Hội thảo sắp tới
Thách thức và cơ hội cho Doanh nghiệp Việt
Mở đầu chuỗi sự kiện là buổi Hội thảo hướng dẫn cụ thể cách xây dựng báo cáo ESG hiệu quả và khai thác tối đa giá trị từ các chứng nhận ESG giúp doanh nghiệp thích nghi trước các áp lực bền vững. Chương trình hướng đến nhóm đối tượng: chủ doanh nghiệp, lãnh đạo cấp cao, quản lý thương hiệu & marketing, chuyên viên phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu và phòng pháp lý. Sự kiện có phiên tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia ESG nhằm tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng doanh nghiệp. Đặc biệt để khẳng định cam kết về phát triển bền vững, hội thảo sẽ được tổ chức theo mô hình “sự kiện Net-Zero”, đây được xem là hình mẫu cho các doanh nghiệp muốn bắt đầu hành trình ESG bằng việc thực hiện các bước đơn giản có thể áp dùng ngay vào quá trình vận hành.
Trong những năm gần đây, các nền kinh tế lớn- đặc biệt là các thị trường đề cao tính bền vững- đã liên tiếp ban hành các quy định ESG nghiêm ngặt, tác động trực tiếp đến toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Dẫn đầu xu hướng này là Liên minh châu Âu (EU) với loạt chính sách như Thỏa thuận Xanh (EU Green Deal), Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD), Chỉ thị Thẩm định Bền vững Doanh nghiệp (CSDDD), Quy định về Chống Phá rừng (EUDR)… Theo đó, các nhà xuất khẩu buộc phải công bố thông tin ESG minh bạch và có cơ sở đáng tin cậy – không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc để giữ lợi thế cạnh tranh.
Các nhà nhập khẩu EU hiện nay cần đảm bảo tính minh bạch toàn diện trong chuỗi cung ứng, tạo áp lực lớn lên các đơn vị cung cấp, trong đó có doanh nghiệp Việt- phải tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững khắt khe hơn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội: doanh nghiệp nào chủ động chuyển đổi sẽ duy trì được khả năng cạnh tranh và xây dựng quan hệ đối tác lâu dài trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu này do hạn chế về kiến thức tiêu chuẩn quốc tế và nguồn lực triển khai. Những doanh nghiệp bắt đầu hành trình ESG thường bối rối trước quy trình báo cáo phức tạp và môi trường tuân thủ đa tầng.
Phần lớn ESG đang được nhìn nhận qua lăng kính của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, làn sóng ESG cũng đang góp phần gia tăng nội lực và hình thành nên một thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh hơn. Trong bối cảnh kinh tế mới, doanh nghiệp không chỉ được đánh giá dựa trên kết quả tài chính, mà còn dựa trên tác động xã hội, môi trường và đạo đức trong hoạt động kinh doanh. Sự chuyển đổi này sẽ góp phần nâng cao chất lượng tổng thể của thị trường Việt Nam, gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Việt Nam đang ở ngã rẽ quan trọng- Doanh nghiệp nào nghiêm túc với ESG sẽ có được lợi ích dài hạn- từ khả năng tiếp cận tài chính tốt hơn đến việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác bền vững” – ông Bảo Nguyễn- Đồng sáng lập & Giám đốc Điều hành Green Transition Consulting & Training chia sẻ.
Báo cáo và Chứng nhận ESG– Công cụ kiểm tra sức khỏe Doanh nghiệp
Không chỉ để đáp ứng quy định, báo cáo ESG đóng vai trò như một công cụ chẩn đoán giúp doanh nghiệp tự đánh giá hiệu quả vận hành bền vững, nhận diện rủi ro vận hành và tăng cường năng lực chống chịu dài hạn. Chứng nhận ESG là minh chứng uy tín cho các nhà đầu tư, khách hàng và đối tác rằng doanh nghiệp đã đạt được các tiêu chuẩn bền vững toàn cầu. ESG không chỉ là “giấy phép” tuân thủ mà còn là “kết quả kiểm tra sức khỏe nội bộ”- giúp doanh nghiệp đo lường mức độ trưởng thành trong hành trình bền vững và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược được tích hợp ESG một cách hiệu quả hơn vào mô hình vận hành và lựa chọn các mục tiêu ưu tiên để triển khai.
Để thu hẹp khoảng cách kiến thức và cung cấp công cụ thiết thực, Green Transition: Hub- hệ sinh thái bền vững tiên phong tại Việt Nam – kết hợp ESG Task Force thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), chính thức khởi động Chuỗi Sự Kiện ESG 2025– một chuỗi sự kiện diễn ra xuyên suốt năm 2025, nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu, chiến lược chuyển đổi và giải pháp thực tiễn cho doanh nghiệp vượt qua các thách thức ESG.
Chuỗi sự kiện này được đồng hành bởi các hiệp hội thương mại quốc tế gồm: Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Phòng Thương mại Bỉ – Luxembourg tại Việt Nam (BeluxCham), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam (CanCham), Phòng Thương mại Trung & Đông Âu tại Việt Nam (CEEC), và Phòng Thương mại & Công nghiệp Bồ Đào Nha – Việt Nam (CCIPV).
Huỳnh Mạnh – Nhị Tâm