Hiểu mình trước khi chọn ngành: 5 câu hỏi học sinh THPT cần trả lời

Khi chiếc đồng hồ thanh xuân điểm đến năm cuối cấp, các bạn học sinh lớp 12 bắt đầu đối mặt với một trong những lựa chọn lớn nhất cuộc đời: chọn ngành – chọn nghề – chọn tương lai. Không ít bạn băn khoăn giữa đam mê và cơ hội nghề nghiệp, giữa sở thích cá nhân và kỳ vọng của gia đình. Chọn ngành học không đơn thuần là chọn một lớp học, mà là đặt viên gạch đầu tiên cho cả sự nghiệp lẫn cuộc sống sau này.

Trường Đại học Bình Dương tổ chức tư vấn cho học sinh lớp 12 trường Tiểu học,THCS và THPT Đức Trí – Thuận Giao, Bình Dương.

Trong bối cảnh ngành nghề liên tục biến động bởi công nghệ và toàn cầu hóa, việc chọn đúng ngành học – ngành phù hợp với bản thân – trở thành điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để có lựa chọn đúng, điều đầu tiên các bạn học sinh cần làm không phải là dò điểm chuẩn, tra cứu ngành hot hay hỏi bạn bè, mà là… tự hỏi chính mình. Dưới đây là 5 câu hỏi cốt lõi mà mỗi học sinh THPT cần thành thật trả lời trước khi đưa ra quyết định về ngành học tương lai.

  1. Mình thực sự thích gì?

“Bạn thích làm gì nhất nếu không ai đánh giá bạn?” – Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại đầy thách thức. Trong xã hội bị chi phối bởi điểm số, kỳ vọng gia đình và mạng xã hội, nhiều học sinh chưa từng có không gian để lắng nghe chính mình. Sở thích là điểm xuất phát của đam mê. Hãy nhìn lại: Bạn thích vẽ, viết, chơi nhạc, tìm hiểu máy móc, lập trình, làm thí nghiệm, thuyết trình trước đám đông hay giúp đỡ người khác? Khi bạn thực sự yêu thích điều gì, bạn sẽ dễ dàng dành thời gian và công sức để theo đuổi mà không thấy mệt mỏi. Chọn ngành học gần với sở thích giúp hành trình học tập trở nên thú vị và dễ duy trì động lực. Dù ngành học nào cũng có khó khăn, nhưng nếu bạn có “cái thích” làm nền tảng, bạn sẽ dễ dàng vượt qua hơn rất nhiều.

Học sinh thích thú khi được tư vấn chọn ngành nghề phù hợp

  1. Mình giỏi ở lĩnh vực nào?

Đam mê là chưa đủ. Một ngành học phù hợp không chỉ dựa vào sở thích mà còn phải dựa vào năng lực cá nhân. Có nhiều bạn học sinh thích làm bác sĩ nhưng sợ máu, hoặc muốn làm giáo viên nhưng không giỏi giao tiếp. Việc đánh giá đúng năng lực bản thân sẽ giúp bạn không “mơ mộng viển vông” mà có lựa chọn thực tế hơn.

Bạn có thể tự đánh giá năng lực qua: Kết quả học tập các môn ở trường (môn nào bạn thường đạt điểm cao?); Hoạt động ngoại khóa từng tham gia (bạn tỏa sáng trong vai trò nào?); Ý kiến từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ (họ thường khen bạn ở điểm gì?); Các bài trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp (MBTI, Holland, v.v.)

Năng lực không chỉ là kiến thức, mà còn là kỹ năng, thái độ và tiềm năng phát triển. Một bạn có khả năng lãnh đạo, sáng tạo, tư duy phân tích hay làm việc nhóm tốt đều có thể “là điểm mạnh” để chọn ngành học phù hợp.

  1. Giá trị sống của mình là gì?

Các bạn học sinh lớp 12 rất quan tâm đến tương lai của chính mình

Giá trị sống là những điều bạn xem trọng nhất trong cuộc sống. Có bạn đặt nặng sự ổn định, có người thích thử thách, có người muốn giúp đỡ cộng đồng, có bạn lại khao khát giàu có và ảnh hưởng. Giá trị sống quyết định cách bạn chọn nghề và định hình tương lai của bạn. Khi chọn ngành học phù hợp với giá trị sống, bạn sẽ cảm thấy công việc không chỉ là “kiếm sống”, mà là một phần của cuộc đời mình, góp phần tạo ra giá trị cho xã hội.

  1. Mình muốn sống cuộc sống như thế nào trong tương lai?

Ngành học bạn chọn hôm nay sẽ dẫn bạn đến một phong cách sống nhất định trong tương lai. Vì vậy, hãy tưởng tượng 5–10 năm tới, bạn muốn mình là ai, làm gì, ở đâu?: Bạn muốn làm việc văn phòng 8 tiếng/ngày hay đi công tác thường xuyên?; Bạn thích làm việc độc lập hay hoạt động trong đội nhóm?; Bạn muốn có nhiều thời gian cho gia đình hay sẵn sàng làm việc cường độ cao?; Bạn muốn sống ở thành phố lớn, vùng quê hay làm việc quốc tế?

Việc hình dung cuộc sống tương lai giúp bạn lội ngược dòng để xác định ngành nghề và từ đó chọn đúng ngành học phù hợp. Đừng để đến khi ra trường mới nhận ra “mình không muốn làm công việc này chút nào”.

  1. Thị trường lao động đang cần gì và ngành mình chọn có cơ hội không?

Dù đam mê và năng lực quan trọng, nhưng thị trường lao động cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Bạn không thể chọn ngành chỉ vì thích, mà cần kiểm tra tính ứng dụng và cơ hội nghề nghiệp của ngành đó trong 5–10 năm tới. Đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa, nhiều ngành cũ đang dần biến mất, và các ngành mới nổi lên mạnh mẽ như: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính (Fintech); Digital Marketing, Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX/UI); Logistics, Chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao; Công tác xã hội, Tâm lý học, Chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Chọn ngành học là một quyết định lớn, nhưng không nên là quyết định duy nhất. Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh hành trình nếu đã hiểu rõ bản thân. Điều quan trọng là đừng để người khác chọn thay mình, cũng đừng để “chọn đại” trở thành lý do khiến bạn tiếc nuối.

Hãy bắt đầu từ chính mình. Hỏi – và trả lời – những câu hỏi quan trọng nhất về bản thân, bạn sẽ tìm thấy một hướng đi sáng rõ hơn cho tương lai. Và nếu chưa trả lời được, đó cũng là lúc bạn nên dừng lại một chút, trải nghiệm thêm, học hỏi thêm… trước khi bước tiếp.

Như Steve Jobs từng nói: “Công việc sẽ chiếm phần lớn thời gian cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm điều bạn tin là vĩ đại. Và cách duy nhất để làm điều vĩ đại là yêu những gì bạn làm”.

Vậy nên, hãy chọn ngành học khiến bạn muốn thức dậy mỗi sáng và nỗ lực hết mình – không vì ai khác, mà vì chính bạn.

Phong nguyễn – Hữu Công

Để lại một bình luận