Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đến Việt Nam, ngày 10/4, tại TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha được tổ chức nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước.

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam từ năm 2009 và luôn giữ vai trò là đối tác quan trọng của Việt Nam tại EU. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,7 tỷ USD năm 2024, đưa Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong EU, trong khi Việt Nam là đối tác lớn nhất của Tây Ban Nha tại ASEAN. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tư từ Tây Ban Nha vào Việt Nam còn thấp, đứng thứ 46/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nhận định, các lý do chính đáng để mở rộng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Tây Ban Nha bao gồm: Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, môi trường đầu tư hấp dẫn; Tây Ban Nha có thế mạnh về công nghệ, năng lượng và vật liệu; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) giúp gần 100% dòng thuế về 0%, tạo đòn bẩy lớn cho thương mại song phương; cả hai nước đều có thể đóng vai trò là cửa ngõ cho thị trường rộng lớn EU, ASEAN và các FTA toàn cầu; hai bên đang chuẩn bị tổ chức kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ nhất để thúc đẩy hợp tác thực chất hơn.
Từ đó, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có thế mạnh như chế biến thực phẩm, dệt may, cơ khí, logistics, du lịch và năng lượng sạch. Diễn đàn là cầu nối để doanh nghiệp hai nước hiểu rõ thị trường, nắm bắt cơ hội và khai thác tối đa các cơ chế hỗ trợ từ chính phủ.
Về phía thông tin đến các doanh nghiệp Tây Ban Nha tại diễn đàn, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Tây Ban Nha hiện có 44 dự án đầu tư tại Thành phố với tổng số vốn đăng ký 16,2 triệu USD. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 giữa TP Hồ Chí Minh với Tây Ban Nha đạt gần 412 triệu USD.
Ông Cường cho biết, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành đô thị thông minh, trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu châu Á.
Tại diễn đàn, doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin trực tiếp về cơ hội kinh doanh với doanh nghiệp Tây Ban Nha, cũng như gặp gỡ các doanh nghiệp trong đoàn tháp tùng Thủ Tướng Tây Ban Nha. Các doanh nghiệp tham gia chương trình thuộc các lĩnh vực: Đường sắt; sản xuất cơ khí ngành đường sắt; tư vấn thiết kế xây dựng hạ tầng giao thông; giải pháp công nghệ quốc phòng, an ninh, giao thông, viễn thông; cơ khí ô tô và phụ tùng ô tô; khách sạn; nước, năng lượng tái tạo, hóa dầu; dệt may; vật liệu xây dựng…
Thanh Phong