Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng trở nên cấp thiết. Trường Đại học Bình Dương – với định hướng phát triển bền vững và triết lý “Học – Hỏi – Hiểu – Hành” – đang nỗ lực đầu tư chiều sâu vào công tác đào tạo, kiến tạo mô hình giáo dục khai phóng, gắn liền với thực tiễn và nhu cầu xã hội, trở thành điểm tựa đáng tin cậy trong hành trình hình thành đội ngũ lao động có trình độ, bản lĩnh và tư duy toàn cầu.
Sinh viên ngày tốt nghiệp
Được thành lập vào năm 1997, Trường Đại học Bình Dương là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại khu vực Đông Nam Bộ. Trải qua gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, nhà trường đã không ngừng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, công nghệ và đội ngũ giảng viên.
Từ những ngành học truyền thống ban đầu như Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Kế toán…, đến nay, trường đã mở rộng đào tạo gần 30 ngành, tập trung vào các lĩnh vực có tính ứng dụng cao và nhu cầu nhân lực lớn như: Trí tuệ nhân tạo, Logistics, Ngôn ngữ Anh – Hàn – Nhật, Luật học, Công nghệ thực phẩm, Hóa dược, Dược học… Việc liên tục cập nhật, mở mới các ngành học không chỉ phản ánh năng lực thích ứng linh hoạt của nhà trường trước yêu cầu thị trường, mà còn cho thấy chiến lược dài hơi trong việc dẫn dắt nguồn nhân lực bước vào “hệ sinh thái số”.
Chuyển đổi số trong đào tạo: Từ hạ tầng đến tư duy
Ngay từ trước khi “chuyển đổi số” trở thành khái niệm phổ biến, Trường Đại học Bình Dương đã sớm triển khai hệ thống quản trị học tập LMS, thư viện điện tử và nền tảng học tập số BDU-Learning, từng bước thay đổi phương thức tiếp cận tri thức của người học. Giai đoạn 2020–2023, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra, chính những bước đi này đã giúp nhà trường chuyển đổi sang mô hình đào tạo trực tuyến một cách nhanh chóng, không làm gián đoạn chương trình học. Tuy nhiên, theo GS.TS Cao Việt Hiếu – Hiệu trưởng nhà trường, chuyển đổi số không đơn thuần là ứng dụng công nghệ: “Chuyển đổi số trong giáo dục đòi hỏi một sự thay đổi toàn diện về tư duy – từ phương pháp giảng dạy, nội dung học tập đến cách thức đánh giá, quản trị và kết nối người học với thế giới bên ngoài”.
Sinh viên Ngành Dược – Trường Đại học Bình Dương thực tập tại Công ty sản xuất thuốc
Thấu hiểu điều đó, Trường Đại học Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình đào tạo giảng viên trong lĩnh vực EdTech, đổi mới phương pháp sư phạm, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) vào giảng dạy các môn kỹ thuật – Dược – kiến trúc. Nhiều môn học đã được xây dựng theo hướng “trải nghiệm số” – nơi sinh viên không chỉ học qua sách vở, mà còn tương tác với hệ thống giả lập, mô hình hóa và dữ liệu thực tế.
Đào tạo theo chuẩn đầu ra và tiếp cận thị trường lao động
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, một trong những yêu cầu then chốt của nhà tuyển dụng chính là kỹ năng nghề nghiệp và khả năng thích ứng môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Để đáp ứng điều này, Trường Đại học Bình Dương đã sớm xây dựng chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra, tích hợp song song giữa kiến thức chuyên ngành – kỹ năng mềm – năng lực sử dụng công nghệ – ngoại ngữ chuyên môn. Các hoạt động học thuật gắn liền với thực tiễn như: “Doanh nghiệp cùng giảng dạy”, “Học kỳ doanh nghiệp”, “Sinh viên làm dự án thật”, “Trải nghiệm quốc tế” tại Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… đã trở thành một phần trong hành trình học tập của sinh viên. Hơn 200 doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với nhà trường trong việc tổ chức thực tập, tuyển dụng sinh viên, cùng xây dựng học liệu và đánh giá năng lực.
Sinh viên Ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô trong giờ thực hành
Cùng với đó, Trung tâm hoạt động sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng viết CV, phỏng vấn, xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng số… giúp sinh viên không chỉ giỏi nghề, mà còn biết cách “thể hiện” đúng lúc – đúng chỗ trong thị trường cạnh tranh ngày nay.
Tinh thần đại học khai phóng – nhân văn: Gốc rễ để người học trưởng thành
Điểm đặc biệt tạo nên thương hiệu riêng của Trường Đại học Bình Dương chính là việc giữ vững tinh thần khai phóng, nhân bản trong suốt hành trình phát triển. Sinh viên được khuyến khích học cách học, học để hiểu và học để trở thành con người có ích. Không bị bó buộc trong khuôn mẫu học thuật, các bạn được tự do phát triển tư duy phản biện, sáng tạo, thảo luận, tham gia các câu lạc bộ, dự án xã hội, hoạt động thiện nguyện cộng đồng. Mô hình lớp học “cộng đồng tri thức” – nơi giảng viên, doanh nhân, nhà nghiên cứu và sinh viên cùng ngồi lại chia sẻ – đã tạo nên một môi trường tương tác mở, nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời. Câu lạc bộ Thuốc và Sức khỏe trường Đại học Bình Dương “Ứng dụng theo dõi chăm sóc sức khỏe người già tại nhà”… đều cho thấy sức sống nội tại và khả năng áp dụng của tri thức trong cuộc sống thật.
Tầm nhìn tương lai: Tự chủ – Đổi mới – Phụng sự cộng đồng
Hướng tới năm 2030, Trường Đại học Bình Dương theo mô hình tự chủ toàn diện, dựa trên ba trụ cột: Đào tạo – Nghiên cứu – Phục vụ cộng đồng. Trong đó, việc phát triển năng lực giảng viên, chuẩn hóa chương trình theo chuẩn khu vực (ASEAN University Network), mở rộng đào tạo trình độ thạc sĩ – tiến sĩ ở các ngành mũi nhọn sẽ là nhiệm vụ trọng tâm.
Trường cũng xác định rõ vai trò là “đại học vì cộng đồng” – không chỉ dừng lại ở giảng dạy, mà còn là trung tâm lan tỏa tri thức, văn hóa và sáng tạo cho vùng đất Đông Nam Bộ. Việc tổ chức các chương trình truyền thông khoa học, hội thảo mở, lớp học cộng đồng, chương trình tặng học bổng cho sinh viên vùng khó khăn… là minh chứng rõ ràng cho triết lý “giáo dục không chỉ tạo ra người học, mà còn tạo ra công dân có trách nhiệm”.
Trong dòng chảy phát triển đầy biến động của thế kỷ 21, những cơ sở giáo dục như Trường Đại học Bình Dương chính là điểm tựa vững chắc cho chiến lược phát triển nhân lực quốc gia. Bằng cách đầu tư chiều sâu vào chất lượng đào tạo, kết nối chặt chẽ với thực tiễn và lấy người học làm trung tâm, nhà trường đang từng bước khẳng định vai trò của mình – không chỉ trong địa phương, mà còn trên bản đồ đại học Việt Nam thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số.
Hữu Công – Phong Nguyễn