Từng là một cụm công nghiệp địa phương thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, Cụm Công nghiệp Hà Mỵ ngày nay đang bước vào một chương phát triển mới. Sau khi địa giới hành chính được điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Hà Mỵ chính thức trở thành một phần của tỉnh Đồng Nai – trung tâm công nghiệp, logistics năng động bậc nhất cả nước. Từ đó, Hà Mỵ được định vị lại, không chỉ là nơi thu hút đầu tư sản xuất, mà còn là điểm trung chuyển xanh trong chuỗi cung ứng rộng lớn kết nối Tây Nguyên – Đông Nam Bộ – cảng biển quốc tế.
Hình ảnh Cụm Công nghiệp Hà Mỵ
Vị trí chiến lược: Tâm điểm kết nối sản xuất và phân phối
Cụm Công nghiệp Hà Mỵ nằm trên trục giao thông huyết mạch nối liền Bình Dương – Bình Phước – Đồng Nai – TP.HCM, gần tuyến đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 14. Chỉ cách cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hơn 40km và cách cảng Cái Mép – Thị Vải khoảng 2 giờ vận chuyển, Hà Mỵ có khả năng tiếp cận nhanh các thị trường nội địa lớn cũng như hệ thống cảng biển quốc tế.
Đáng chú ý, sau khi sáp nhập, Hà Mỵ được lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển cụm công nghiệp – kho vận cấp vùng của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch mới, Hà Mỵ đóng vai trò là “trạm trung chuyển xanh” cho hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và vùng sản xuất Bình Phước về các cảng trung chuyển phía Nam.
Phát triển logistics xanh: xu thế tất yếu
Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến phát thải carbon trong vận hành, Hà Mỵ nhanh chóng đón đầu xu thế phát triển logistics xanh. Một số yếu tố nổi bật: Kết nối đa phương thức: Không chỉ bằng đường bộ, Hà Mỵ còn hướng đến tích hợp đường thủy (qua tuyến sông Bé – Đồng Nai) và đường sắt (liên kết tuyến Dĩ An – Lộc Ninh trong tương lai); Xe vận tải điện và trạm sạc năng lượng mặt trời: Các doanh nghiệp vận tải nội cụm được khuyến khích chuyển đổi sang xe điện với hỗ trợ 30% chi phí đầu tư ban đầu; Xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu logistics số hóa, giám sát phát thải CO₂ theo thời gian thực, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và minh bạch hóa ESG.
Gắn kết phát triển công nghiệp với an sinh xã hội
Lãnh đạo và cán bộ nữ của Công ty Cổ phần Hà Mỵ
Không chỉ là nơi thu hút vốn đầu tư, Hà Mỵ còn góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Theo thống kê sơ bộ, cụm công nghiệp hiện giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động trực tiếp, với thu nhập trung bình đạt từ 8 – 12 triệu đồng/tháng. Cụm công nghiệp còn phối hợp với các trường cao đẳng nghề tại Đồng Nai tổ chức các khóa đào tạo logistics, vận hành thiết bị số và kỹ năng quản trị kho hàng, góp phần nâng cao chất lượng lao động nội vùng.
Hạt điều được đóng gói trước khi xuất khẩu tại Cụm Công nghiệp Hà Mỵ
Hướng tới năm 2030, Hà Mỵ đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistics xanh cấp vùng, vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo, tích hợp các nền tảng số trong điều phối vận tải, và đạt tỷ lệ tái chế chất thải công nghiệp trên 85%.
Hữu Công – Phong Nguyễn