Trong bối cảnh thị trường lao động biến động không ngừng bởi công nghệ, toàn cầu hóa và những chuyển dịch kinh tế – xã hội sâu rộng, việc chọn đúng ngành học ở tuổi 17 – 18 trở thành một trong những quyết định quan trọng nhất đời người. Không chỉ là chọn một bậc học hay trường đại học, đó thực chất là đặt viên gạch đầu tiên cho hành trình nghề nghiệp, cuộc sống và sự phát triển bản thân trong tương lai
Ngày hội hướng nghiệp tại trường THPT Dĩ An, Bình Dương
Ngành học không phải là một lựa chọn nhất thời, càng không nên là kết quả của cảm tính, sự áp đặt hay chạy theo xu hướng. Nó là nền móng để hình thành kỹ năng chuyên môn, định hình lối sống nghề nghiệp và phát triển tư duy dài hạn. Một lựa chọn đúng giúp học sinh học tập có động lực, phát triển toàn diện và dễ dàng hội nhập thị trường lao động. Ngược lại, chọn sai ngành có thể kéo theo hệ lụy như bỏ học giữa chừng, ra trường thất nghiệp, làm trái ngành hoặc không cảm thấy hạnh phúc với nghề đã chọn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên chuyển ngành, nghỉ học hoặc học tiếp ngành khác sau khi tốt nghiệp vì nhận ra “ngành mình chọn không phù hợp”. Đây không chỉ là sự lãng phí về thời gian, tiền bạc mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, niềm tin và định hướng của người học.
Chọn ngành – chuyện không chỉ của cá nhân
Nhiều học sinh lớp 12 hiện nay vẫn chọn ngành dựa trên những tiêu chí mơ hồ như: “ngành hot”, “ngành dễ xin việc”, “bạn bè học ngành đó” hay “ba mẹ bảo học ngành này tốt”. Ít người thật sự đầu tư thời gian để tìm hiểu sâu về ngành học, nhu cầu lao động, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và sự phù hợp với bản thân.
Học sinh Khối 12, trường THPT Dĩ An được tư vấn chọn Ngành
Không chỉ là quyết định cá nhân, việc chọn ngành còn chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, phụ huynh đóng vai trò then chốt. Không ít bậc cha mẹ có tâm lý muốn con học ngành “ổn định”, mang tính danh giá hoặc dễ có thu nhập cao, mà quên mất rằng điều quan trọng nhất là con phù hợp và có thể phát triển lâu dài với ngành đó. Sự áp đặt trong lựa chọn ngành học có thể vô tình biến con trẻ thành “người thực hiện ước mơ thay cha mẹ”, thay vì được sống đúng với năng lực và đam mê của chính mình.
“Hiểu mình – hiểu ngành – hiểu nghề”: Ba trụ cột để chọn đúng
Để chọn đúng ngành, học sinh cần bắt đầu từ việc hiểu bản thân – hiểu sở thích, đam mê, điểm mạnh, điểm yếu, giá trị sống và phong cách làm việc của mình. Đây là giai đoạn quan trọng để các em trả lời những câu hỏi cốt lõi như: “Tôi thật sự giỏi ở đâu?”, “Tôi muốn trở thành người như thế nào?”, “Môi trường nghề nghiệp nào khiến tôi cảm thấy hứng thú và có thể gắn bó lâu dài?”.
Học sinh lớp 12 THPT Dĩ An tham gia tìm hiểu Ngành Hàn Quốc học – Trường Đại học Bình Dương
Bên cạnh đó, học sinh cần hiểu ngành – tức là tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo, các môn học, cơ hội thực hành, xu hướng phát triển ngành nghề, điều kiện học tập tại các trường đại học… Cuối cùng, là hiểu nghề – nắm được công việc thực tế sau khi ra trường, môi trường làm việc, yêu cầu kỹ năng và triển vọng nghề nghiệp trong 5 – 10 năm tới.
Ba yếu tố này cần được kết hợp một cách hài hòa để đi đến lựa chọn đúng đắn. Việc tham gia các ngày hội hướng nghiệp, trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp, phỏng vấn cựu sinh viên hoặc thực tế trải nghiệm tại doanh nghiệpcó thể giúp học sinh hình dung rõ hơn về tương lai của mình với ngành nghề đã chọn.
Giáo dục hướng nghiệp: Từ chính sách đến hành động
Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh vai trò của công tác hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới, yêu cầu các trường tích hợp hoạt động định hướng nghề nghiệp vào môn học, tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế: thiếu nhân sự chuyên trách, thiếu tài liệu chuẩn hóa, thiếu kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Việc hướng nghiệp không thể chỉ diễn ra trong một buổi tư vấn đại trà, mà cần là quá trình cá nhân hóa, dài hạn và liên tục, với sự đồng hành của giáo viên chủ nhiệm, chuyên viên tư vấn tâm lý, phụ huynh và cả chính học sinh. Các mô hình như “Trường học gắn với thực tiễn”, “Tuần trải nghiệm ngành nghề”, hay “Kết nối học sinh – sinh viên – doanh nghiệp” nên được nhân rộng để tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Câu chuyện của sự chủ động
Không ai có thể chọn thay tương lai cho học sinh, kể cả cha mẹ hay thầy cô. Người chịu trách nhiệm lớn nhất vẫn là bản thân mỗi học sinh. Chính vì vậy, mỗi em cần chủ động hơn trong việc tìm hiểu, đặt câu hỏi, học hỏi và trải nghiệm để xác định rõ hướng đi của mình. Đừng chọn ngành chỉ vì áp lực điểm số, vì lời khuyên thiếu cơ sở hay sự hấp dẫn nhất thời. Hãy chọn ngành bằng sự hiểu biết và lòng tin vào chính bản thân.
Trong thời đại kinh tế tri thức và công nghệ 4.0, nơi mà ngành nghề thay đổi nhanh chóng, kỹ năng trở thành yếu tố sống còn, thì việc chọn đúng ngành càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đó không đơn thuần là quyết định thi đại học, mà là sự khởi đầu của hành trình lập thân, lập nghiệp và phát triển bản thân một cách bền vững. “Chọn ngành đúng – sống đời đúng” không phải là khẩu hiệu, mà là kim chỉ nam để học sinh vững tin bước vào ngưỡng cửa đại học và tương lai. Và mỗi sự lựa chọn có hiểu biết, có suy xét chính là một viên gạch chắc chắn đặt nền móng cho hành trình trưởng thành.
Nguyễn Phong – Cáp Bích